Giỏ hàng

Thành Bản Phủ – Di tích lịch sử hơn 200 tuổi ở Điện Biên

Ít ai biết rằng ở Điện Biên còn có một di tích lịch sử quốc gia lâu đời – thành Bản Phủ, thành cổ hơn 200 tuổi, ghi dấu công ơn vị tướng Hoàng Công Chất.

Nhắc đến du lịch Điện Biên nói riêng và du lịch Tây Bắc nói chung, không thể bỏ qua “thành Bản Phủ”, một di tích lịch sử đã hơn 200 năm tuổi, nơi ghi dấu công ơn vị tướng Hoàng Công Chất. Ngày nay, thành Bản Phủ đã trở thành một điểm đến đầy thành kính của đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh.

Thành Bản Phủ nằm ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên. Thành rộng hơn 80 mẫu, phía sau thành là sông Nậm Rốn. Các bức tường thành được đắp bằng đất, trồng tre gai vây quanh, loại tre được mang từ Thái Bình đến. Phía bên ngoài là hào sâu rộng. Thành có bốn vị trí cửa: tiền, hậu, tả, hữu. Mỗi cửa đến có đồn và vọng gác phía bên trên.

Một nghi thức lễ diễn ra ở đền thờ Hoàng Công Chất bên trong thành. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ở khu vực trung tâm bên trong thành là đền thờ Hoàng Công Chất. Đền thờ này được xây dựng để thờ họ Hoàng và 6 thủ lĩnh nghĩa quân. Thành Bản Phủ là di tích lịch sử văn hóa quan trọng của địa phương, ghi lại công lao to lớn của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất, người con của Thái Bình trong cuộc chiến tranh giải phóng Mường Thanh – Điện Biên khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ.

Hàng năm vào ngày 24, 25 tháng hai âm lịch, sẽ diễn ra lễ hội truyền thống tại thành Bản Phủ. Trong lễ hội có nghi thức cúng thần rất đặc biệt: khoảng 9, 10 giờ đêm, dân bản mổ bò, mổ dê đem thui chín. Tiếp đó, người ta đem bò, dê đã thui vào gian thờ, đặt một tàu lá chuối lên lưng con bò, cùng muối ớt và một con dao, bên cạnh đó, còn có thêm 2 con gà, 1 gói xôi và 7 chén rượu. Đây là hoạt động văn hóa tín ngưỡng linh thiêng đối với người dân trong vùng.

 

back to top