Vườn Quốc gia Pù Mát – điểm du lịch sinh thái cuốn hút ở miền Tây Nghệ An
Vườn Quốc gia Pù Mát là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển với hệ động thực vật vô cùng đa dạng, phong phú. Nơi đây không chỉ có ý nghĩa trong nghiên cứu khoa học mà còn là điểm du lịch hấp dẫn của Nghệ An.
Vườn Quốc gia Pù Mát thuộc 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, và Tương Dương. Vườn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với lượng mưa trung bình hàng năm là 1.800mm và nhiệt độ trung bình 23,5 độ C. Pù Mát có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch: diện tích rộng lớn, tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật rừng mới được khám phá gần đây.
Thiên nhiên hoang sơ thuộc vườn quốc gia như chưa hề có bàn tay của con người chạm đến: rừng nguyên sinh thượng nguồn Khe Thơi, Khe Bu, Khe Choăng, Cao Vều… thác Khe Kèm, suối nước Mọc, sông Giăng, rừng săng lẻ… Đặc biệt, vườn Quốc gia Pù Mát là một trong những nơi đầu tiên phát hiện loài sao la quý hiếm.
Với diện tích vùng lõi rộng 94.804ha và vùng đệm rộng 86.000 ha, Pù Mát là nơi sinh sống của cộng đồng người Thái. Nét hoang sơ hùng vĩ của núi rừng Pù Mát hòa trộn với nét văn hoá độc đáo tạo nên bản sắc riêng biệt. Họ sinh sống ở hầu hết các thôn bản, trong các nhà sàn bằng gỗ với nghề trồng lúa nước.
Trong tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841m) và được đặt tên cho vườn quốc gia. Pù Mát có cái hùng vĩ của rừng xanh, có vẻ nguyên sơ khó nơi nào sánh bằng. Đến Pù Mát du khách còn được chiêm ngưỡng khu rừng săng lẻ thuần loài rộng khoảng 100ha. Đây là khu rừng cổ thụ, cao khoảng 50m và toả bóng mát quanh năm.
Vườn Quốc gia Pù Mát có 2.494 loài thực vật, 132 loài thú, 137 loài chim, 53 loài bò sát (trong đó có 16 loài rùa, 12 loài tắc kè, kỳ đà, 25 loài rắn), 33 loài lưỡng cư. Trong đó, thực vật có 70 loài nằm trong sách đỏ, động vật có 42 loài nằm trong sách đỏ như voi, hổ, sao la, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, khỉ đuôi lợn, mang trường sơn, chó sói lửa…
Về bướm, có tổng cộng có 459 loài bao gồm: 365 loài bướm ngày, 94 loài bướm đêm (83 loài bướm sừng và 11 loài bướm hoàng đế). Trong đó có 7 loài bướm ngày và 4 loài bướm đêm là những loài mới ở Việt Nam. Về kiến, đã xác định được 78 loài thuộc 40 chi, 9 phân họ kiến có mặt tại vườn Quốc gia Pù Mát. Về côn trùng, tổng cộng đã xác định được 1084 loài thuộc 64 họ, của 7 bộ. Trong đó có 71 loài đặc hữu.
Yếu tố đặc hữu của khu hệ chim và thú ở Pù Mát cao, có nhiều loài đặc trưng như chào vao, voọc đen, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, vượn má vàng, thỏ vằn, cầy vằn, trĩ sao, khướu mỏ dài. Điều đặc biệt là quần thể một số loài chim và thú có nguy cơ bị tiêu diệt vẫn có thể phát triển nếu vườn được quản lý và bảo vệ tốt đó là voi, hổ, sao la, bò tót, mang Trường Sơn, thỏ vằn, cầy vằn, gấu chó, gấu ngựa, trĩ sao.
Đến vườn Quốc gia Pù Mát, ngoài chiêm ngưỡng thiên nhiên tươi đẹp, du khách còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa của các cộng đồng thiểu số. Du khách sẽ được đón tiếp nồng hậu bằng những tình cảm chân thành của bà con và được thưởng thức những nét văn hoá của đồng bào qua điệu múa xoè, tiếng khèn, cùng những thú vui uống rượu cần, múa lăm vông…