Giỏ hàng

Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, quần thể di tích gắn với tên tuổi nhiều danh nhân kiệt xuất

Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên thế kỷ XIII và trong cuộc chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV.

Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán, Huyền Quang, Pháp Loa… Điểm nhấn quan trọng nhất của khu di tích là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.

Địa thế, địa hình hiểm trở gồm núi cao, rừng rậm, sông sâu đã kiến tạo cho Côn Sơn – Kiếp Bạc vị trí chiến lược quan trọng. Vì thế nơi đây đã được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lựa chọn đóng đại bản doanh để chặn đánh quân Nguyên Mông bảo vệ phía Đông kinh thành Thăng Long.

Chùa Côn Sơn có từ thời Đinh, đến nhà Trần được Pháp Loa tôn tạo với quy mô lớn. Nguyễn Trãi từng làm đề cử của chùa. Chùa xưa nay là danh lam cổ tích và hiện vẫn còn nhiều dấu tích xưa, cổ vật có giá trị.

Chùa Côn Sơn nằm dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”, nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ “Công”, gồm tiền đường, thiêu lương, thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật cao đến 3m.

Tiếp đến nhà tổ là nơi thờ các vị tổ có công lao với chùa: điều ngư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang. Đường vào tam quan chùa lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm xen lẫn những tán vải thiều sum suê. Tam quan được tôn tạo năm 1995 có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu.

Tương truyền chùa là nơi hun gỗ làm than và từng diễn ra trận hoả công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa cũng có tên gọi khác là chùa Hun.

Thiền sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm đã về tu ở chùa Côn Sơn và lập đài cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách, làm giảng chủ thuyết pháp không ngừng phát triển đạo phái. Năm Giáp Tuất 1334, thiền sư Huyền Quang viên tịch, vua Trần Minh Tông đã cấp đất để thờ và xây tháp tổ đặc phong tự tháp “Huyền Quang tôn giả”.

Cùng với chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc thờ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, một nhân vật anh hùng được thánh hóa. Sau khi ông mất tại phủ đệ ở Vạn Kiếp, triều đình đã cho lập đền thờ ở đây. Cho đến nay, đền Kiếp Bạc là một trong những trung tâm thờ phụng lớn của tín ngưỡng Đức Thánh Trần.

Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là thung lũng trù phú, có dãy núi Rồng bao bọc. Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và phủ đệ của Trần Hưng Đạo.

Đền thờ Trần Hưng Đạo được dựng vào đầu thế kỷ 14, trên một khu đất ở thung lũng Kiếp Bạc. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo cùng phu nhân và hai con gái, tướng Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ bốn con trai.

Hàng năm, ở Côn Sơn – Kiếp Bạc có hai kỳ lễ hội truyền thống mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân kỷ niệm ngày viên tịch của thánh tổ Huyền Quang, ngày 23 tháng giêng. Lễ hội mùa thu tưởng niệm ngày mất của đức thánh Trần Hưng Đạo, ngày 20 tháng 8 âm lịch và ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Lễ hội mùa xuân có nhiều nghi lễ như Mông Sơn thí thực, lễ tế trời đất trên ngũ nhạc linh từ, lễ rước nước cùng nhiều trò chơi hấp dẫn: đu tiên, chọi gà, đấu vật, cờ người… Lễ hội mùa thu có các nghi thức và hình thức diễn xướng phổ biến như lễ rước cỗ tiến thánh, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ ban ấn… cùng các trò chơi thi nấu cơm, nhảy phỗng, bắt vịt…

 

back to top