Hang Mạc Cao – Kiệt tác kiến trúc Phật giáo ngàn năm ở Trung Quốc
Hang Mạc Cao với hệ thống 492 ngôi đền ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc là nơi điển hình về nghệ thuật chạm khắc đá Phật giáo kéo dài trong khoảng 1.000 năm.
Hang Mạc Cao hay còn được gọi là hang động Ngàn Phật. Đây là một hệ thống 492 ngôi đền ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Đến hiện tại, hang Mạc Cao được cho là một trong bốn hang động lớn nhất ở Trung Quốc. Hang Mạc Cao còn được xem như một kỳ tích văn minh lâu đời, trải qua hơn ngàn năm xây dựng.
Hang Mạc Cao tọa lạc trên núi Minh Sa, được chia làm năm tầng, bên trong được khai quật vô số hang động xếp tầng cao thấp khác nhau vô cùng hoành tráng. Công trình này được khởi công từ năm 366 như là nơi thiền định và thờ cúng Phật giáo, trải qua các triều đại tạc tạo, số lượng của các hang không ngừng tăng lên, đến thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, đã có tới hơn một nghìn hang động, cũng vì thế hang Mạc Cao còn được gọi là “Thiên Phật động”.
Cho đến ngày nay, nơi đây đã hình thành nên một quần thể kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa với 735 hang động, 2415 bức tượng màu và 4,5 mét vuông bích họa. Nghệ thuật tại đây gồm hơn 10 loại bao gồm kiến trúc, điêu khắc đắp vữa, tranh tường, tranh lụa, thư pháp, mộc bản, thêu, văn học, âm nhạc, khiêu vũ, và giải trí.
Hang Mạc Cao là ví dụ điển hình của kiến trúc cắt đá. Nhiều trong số các hang động được xây dựng bằng đá cắt Phật giáo trước cả phong cách Chaitya được thấy tại nhiều nơi như hang động Ajanta ở Ấn Độ với một cột vuông trung tâm, các tác phẩm điêu khắc trong hốc đá và các bảo tháp tròn. Nhiều trong số các hang động chịu ảnh hưởng từ kiến trúc đền chùa truyền thống Trung Quốc và Phật giáo.
Tại hang Mạc Cao, một bộ sưu tập các tài liệu quan trọng bao gồm các bản thảo lịch sử, tôn giáo, toán học đã được phát hiện vào năm 1900. Tuy nhiên ngày nay, bộ sưu tập này đã bị phân tán ra khắp nơi trên thế giới và có mặt nhiều nhất tại Bắc Kinh, London, Paris, Berlin. Chính vì những điều thú vị mà hang Mạc Cao trở thành địa điểm tham quan vô cùng nổi tiếng dành cho du khách.