Địa đạo Long Phước – Di tích lịch sử đáng tự hào của thành phố Bà Rịa
Di tích địa đạo Long Phước cách trung tâm thành phố Bà Rịa khoảng 7 km. Đây là công trình sáng tạo, một chứng tích hào hùng của quân và dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Hình thành ngay trong vùng địch tạm chiếm, địa đạo Long Phước khởi nguồn từ việc người dân đào hầm tránh bom đạn và sự càn quét khủng bố của địch. Phong trào toàn dân đào hầm bí mật sau đó được cán bộ xã Long Phước phát động. Đầu năm 1946, Long Phước có hơn 300m địa đạo luồn sâu dưới lòng đất 3 – 5m.
Từ hệ thống địa đạo, du kích và nhân dân Long Phước liên tiếp bẻ gãy nhiều trận càn, trong đó có trận càn lớn vào tháng 10 năm 1949, đảm bảo an toàn cho khu căn cứ Xuyên Phước Cơ, căn cứ kháng chiến của tỉnh, đồng thời là đầu mối giao liên giữa trung ương và Đông Nam Bộ.
Đến thời kỳ chống Mỹ, địa đạo Long Phước mở rộng đến hầu hết các ấp trong xã. Quân dân Long Phước lấy địa đạo làm bàn đạp tấn công địch. Đế quốc Mỹ đã phải dùng máy bay rải bom, đạn pháo cày xới, xe tăng, xe ủi cùng hàng ngàn bộ binh đánh địa đạo.
Sau đó, hệ thống địa đạo được mở rộng sâu hơn, dài hơn. Địa đạo có hầm bí mật dự trữ lương thực, vũ khí; có nơi cứu chữa thương binh; có các công sự chiến đấu theo thế liên hoàn ở cả 5 ấp thuộc xã Long Phước. Đường hầm dưới địa đạo lan tỏa theo hình xương sống cách mặt đất 2-3m, lòng địa đạo cao hơn 1,5m và rộng hơn 0,7m, người bên trong đi lại, vận động dễ dàng.
Sau ngày giải phóng, địa đạo Long Phước được phục dựng, cải tạo trở thành điểm tham quan của du khách, nơi học tập của thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh của cha ông trên mảnh đất Long Phước. Di tích lịch sử cách mạng địa đạo Long Phước được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1990
Di tích này là niềm tự hào, là bản anh hùng ca của người dân Long Phước và toàn thành phố Bà Rịa. Do đó, dự án đầu tư, tôn tạo địa đạo Long Phước được phê duyệt năm 2017. Theo đó, phía bên trên mặt đất sẽ xây nhà truyền thống 3 tầng theo phong cách đình chùa, mái ngói, tường ốp gạch không nung và ốp gạch trang trí.
Xây mới nhà ban quản lý di tích với diện tích 115 mét vuông. Xây mới 4 nhà dân thời chiến kiểu nhà chữ Đinh mỗi căn có diện tích hơn 100 mét vuông. Bên dưới lòng đất thực hiện tu bổ hơn 700m đường hầm theo phương pháp gia cố thành hầm xi măng, đắp đất sét. Ngoài ra, nhiều hạng mục phụ trợ khác cũng được xây dựng thêm.
Hiện nay du khách có thể trực tiếp trải nghiệm di chuyển trong lòng địa đạo để thấy được sự mưu trí cũng như những khó khăn gian khổ trong thời chiến. Ngoài việc thu hút khách du lịch, di tích này cũng rất thích hợp với các chuyến khám phá tìm hiểu về lịch sử của các chuyên gia, các bạn sinh viên và du lịch về nguồn của đoàn thanh niên.