Đến hội Lim Bắc Ninh nghe dân ca Quan họ ngọt ngào tình quê
Trương Chi đem lòng yêu Mị Nương nhưng vì mặc cảm về ngoại hình nên đã trầm mình xuống dòng sông Tiêu Tương. Trái tim Trương Chi đã hóa thành viên ngọc, được Mị Nương làm thành chiếc chén uống nước.
Lạ lùng thay, mỗi lần uống nước, Mị Nương lại nghe thấy giọng hát của Trương Chị. Từ đó, những câu hát được người dân trong vùng lưu truyền như để nhớ về mối tình oan trái.
Hội Lim Bắc Ninh có nguồn gốc lịch sử lâu đời, được phát triển từ các lễ hội của tổng Nội Duệ. Lễ hội diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm.
Lễ hội được diễn ra ở khu vực núi Lim và hai bờ sông Tiêu Tương, thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tiên Du là huyện nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố 5km và cách thủ đô Hà Nội 25km.
Như nhiều lễ hội khác, Hội Lim Bắc Ninh cũng được chia thành 2 phần, phần lễ và phần hội. Đúng ngày 13 tháng Giêng âm lịch, phần lễ được bắt đầu với nghi thức rước vào sáng sớm. Đoàn rước kéo dài hàng cây số, người đi rước mặc trang phục Quan họ, nam thì áo the, nữ thì mớ ba mớ bảy.
Đứng đầu đoàn người là các bô lão, trưởng làng, trưởng tổng cùng đi đến chùa Hồng Ân để tế lễ hậu thần. Một trong các nghi thức tế thần đó là hát Quan họ thờ thần. Lúc này các liền anh liền chị sẽ hát từ ngoài vọng vào những bài ca biết ơn, ca ngợi công lao.
Đến phần hội, những liền anh, liền chị trong trang phục áo the dài, áo tứ thân duyên dáng đối đáp với nhau bằng những câu hò đằm thắm. Những đôi trai gái đứng trên thuyền trao gửi cho nhau tình cảm lứa đôi tha thiết, tấm lòng thủy chung bằng những làn điệu Quan họ tinh tế.
Quan họ là loại dân ca đặc sắc của vùng Kinh Bắc. Dân ca Quan họ tha thiết ở lời ca trữ tình, nồng nàn tình yêu đôi lứa với 200 làn điệu khác nhau. Từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử hàng ngày và trong ngày hội, người Quan họ đều khiêm nhường.
Tục kết “chạ” giữa các làng Quan họ hay kết bạn giữa các “bọn” Quan họ đã hình thành nếp sống cao quý. Người Quan họ đều là “liền anh”, “liền chị” và bao giờ cũng tự xưng là “liền em”. Với người Quan họ, khi khách đến thì:
Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi.
Trà này ngon lắm người ơi,
Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.
Đến lúc phải về, lời ca bao giờ cũng níu chân khách:
Người ơi, người ở đừng về…
Phần hội cũng có nhiều trò chơi mang dân gian như: dệt cửi, nấu cơm, đu tiên, đấu cờ người, đấu vật, đấu võ, đu bay, chọi gà, chọi chim, tổ tôm điếm… đều là những trò chơi của hội làng cổ truyền được gìn giữ đến ngày nay.
Thời gian qua đi, xã hội phát triển, những phong tục tập quán cũ dần bị mai một. Thế nhưng hội Lim Bắc Ninh vẫn được yêu thích và đứng vững trong kho tàng văn hóa lâu đời của vùng Kinh Bắc.