Đảo cò Chi Lăng Nam – Di tích quốc gia “đất lành chim đậu”
Đảo cò Chi Lăng Nam nổi lên như viên ngọc quý của du lịch sinh thái ở miền Bắc với không gian non xanh nước biếc, thiên nhiên thanh bình, là ngôi nhà chung của hàng vạn chú cò.
Đảo cò Chi Lăng Nam ở Hải Dương là điểm du lịch sinh thái độc đáo với hàng vạn chú cò, vạc, chim nước cùng sinh sống trong không gian của một vùng quê thanh bình hữu tình. Đảo cò là món quà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Thanh Miện nay đã trở thành điểm đến cho du khách trải nghiệm tuyệt vời.
Khu du lịch sinh thái đảo cò Chi Lăng Nam có diện tích 31,673 ha, đang có nhiều loài cò, vạc, chim nước quý làm tổ sinh sống. Đảo cò có khoảng 16.000 cá thể cò và 6.000 cá thể vạc chung sống hòa bình. Cò ở đây có đến 6 loài cò khác nhau: cò trắng, cò bợ, cò ghềnh, cò lửa, cò diệc, cò ruồi, trong đó số lượng cò đông đảo nhất là cò ruồi.
Đảo cò còn là nơi trú ngụ của loài vạc sao, vạc xám, vạc lưng xanh cùng nhiều loài chim quý hiếm: diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cú mèo, cuốc… Sự đa dạng phong phú của của các loài chim đã tạo ra hệ sinh thái đầy màu sắc. Chính vì vậy, đảo cò cũng là điểm tham quan, học tập và nghiên cứu của nhiều trường học.
Truyền thuyết kể rằng, đầu thế kỷ thứ 15, trận đại hồng thủy làm con đê ven sông Hồng vỡ đến 3 lần, đê vỡ liên tiếp gây ngập lụt, cuốn trôi làng mạc. Lụt qua, để lại một hòn đảo nổi giữa hồ. Theo thời gian, cây cối trên đảo um tùm xanh tươi, dưới nước đã có tôm cá sinh sống.
Rồi từng đàn cò, đàn vạc tìm về trú ngụ, sinh sản. Đảo cò là những dải đất giữa lòng hồ được bao quanh bởi những rặng tre xanh. Cò bay về làm tổ từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Những ngày này, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều chú cò con vừa mới sinh ra đời đang tập đứng trên những cành tre.
Để bảo tồn các loài cò, vạc ở đảo cò Chi Lăng Nam, ban quản lý khu du lịch sinh thái đã ra quy định ai săn bắn ở đây sẽ bị phạt lên đến 5 triệu đồng/con. Vì sự quản lý chặt chẽ, sát sao cũng như ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân và du khách nên số lượng chim ở đảo ngày càng tăng, đặc biệt giúp các loài chim quý hiếm tránh được nạn tuyệt chủng.