Giỏ hàng

Cù lao Dung – Vùng đất trù phú mang đậm vẻ đẹp miền Tây sông nước

Cù lao Dung được mệnh danh là “vương quốc bần”, nơi có rừng bần phòng hộ lớn và dài nhất cả nước, với diện tích khoảng 2.600 ha gồm rừng nguyên sinh và rừng trồng, cùng với đất đai, sông ngòi đã tạo nên khung cảnh thanh bình, đầy sức hút.

Cù lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng, nằm cách Cần Thơ khoảng 50km. Dải đất này nằm cuối nguồn sông Hậu, chia con sông thành 2 nhánh Định An và Trần Đề trước khi đổ ra biển Đông. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cù lao Dung là một trong số ít những cù lao có điều kiện tự nhiên đa dạng, bị tác động bởi cả 3 dòng nước mặn, ngọt, lợ.

Đến đây du khách sẽ có cảm giác thư thái trước không gian trong lành, xanh mát, nơi có rất nhiều cây bần – loài cây quá đỗi quen thuộc với người miền Tây, chúng mọc tự nhiên ven sông, kênh rạch và có sức sống mạnh mẽ. Dù ở môi trường nào, bần đều bén rễ và phát triển tốt, giúp giữ đất, cân bằng hệ sinh thái và là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật như tôm, cua, cá… Riêng rừng bần ở cù lao Dung còn là nơi sinh sống của loài khỉ, dơi ngựa và dơi quạ.

Cây bần còn được gọi với cái tên “thủy liễu” và xuất hiện ở đây không biết tự bao giờ. Bần nở hoa kết trái quanh năm nhưng thường chín rộ vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch. Trái bần xanh có vị chua và chát, lúc chín tới có mùi thơm dậy, chua và nhiều bột hơn. Trái bần chín rụng xuống, sóng xô tới đâu cây mọc tới đó, cứ thế mà phát triển thành rừng.

Mỗi độ bần chín mùi, hương thơm lan tỏa, cái vị chua chua thật khiến cho người ta phát thèm món canh chua bần ăn cùng bần dằm mắm. Ngoài ra còn có nhiều món ăn đặc biệt khác đến từ bần như: gỏi bông bần, lẩu bần, bần chấm muối ớt,… Đặc biệt người dân còn sản xuất bần thành bột, mứt, nước cốt bần,… nhằm phục vụ cho nhu cầu đời sống của người dân hằng ngày.

 

back to top