Giỏ hàng

Top 10 đặc sản Đăk Nông bạn nhất định phải thử một lần

Với những ai yêu thích ẩm thực vùng đất Tây Nguyên, nhất định phải thưởng thức qua 10 món đặc sản Đăk Nông độc lạ, luôn để lại dấu ấn trong lòng nhiều thực khách.

1. Các món ăn từ cá lăng sông Sêrêpốk

Cá lăng thuộc họ cá da trơn, thường sống ở các khúc sông có nước chảy xiết và lắm thác ghềnh. Trong đó, có cá lăng đuôi đỏ thường sống ở sông Sêrêpốk, chảy qua địa bàn huyện Krông Nô và huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông. Thịt cá lăng sông Sêrêpốk nổi tiếng béo, có vị ngọt và rất giàu dinh dưỡng và được dùng để chế biến thành nhiều món ngon như om, lẩu, nướng, làm chả, hấp, xào tỏi hoặc nấu cháo. Theo các thực khách sành ăn thì món cá lăng nướng và lẩu cá lăng măng chua rừng vẫn là ngon nhất.

 

2. Canh thụt đọt mây

Canh thụt là món đặc sản Đăk Nông độc lạ của người dân tộc M’Nông và người Mạ ở tỉnh Đăk Nông. Nguyên liệu để tạo nên món ăn này bao gồm lá bép (còn gọi là lá nhíp), đọt mây, cà đắng với các loại cá suối để cho ra món canh dân dã mà vô cùng hấp dẫn. Cái tên “canh thụt” xuất hiện từ việc ngày xưa, khi người dân đi làm, thường nấu canh trong những ống tre, ống nứa mọc trong rừng. Khi nấu, người ta dùng đũa để khuấy các nguyên liệu cho mềm.

Trước khi nấu, người dân địa phương sẽ chặt một ống lồ ô có lóng dài, gọt đẽo phần đầu ống cho khéo, sao cho nấu canh thụt nước không bị chảy ra ngoài. Việc chọn ống lồ ô là một bí quyết, nếu chọn cây già quá thì sẽ bị nứt, hoặc cây non thì canh sẽ không ngon… Thời gian để canh chín là khoảng từ 60 – 90 phút. Sau khi canh chín, cho ra bát hoặc lá chuối đều được vì món canh thụt khi chín sẽ đặc lại và rất dẻo. Khi thưởng thức món canh này, bạn sẽ cảm nhận được vị đắng, cay, bùi, béo… Ngày nay, canh thụt còn được kết hợp thêm với các nguyên liệu khác như: lòng non, sườn heo, cá hộp… tạo thành món ăn vô cùng hấp dẫn.

3. Rượu cần

Rượu cần là một trong những loại ẩm thực không thể thiếu trong các cuộc vui chơi, lễ hội của đồng bào ở tỉnh Đăk Nông. Rượu được ủ trong những chiếc ché không qua chưng cất; nguyên liệu ủ rượu bao gồm những nguyên liệu tự nhiên có tại địa phương như: lúa, trấu cùng với loại men được làm từ lá, vỏ cây rừng.

Trong văn hóa của các dân tộc ở tỉnh Đăk Nông, rượu cần vừa là sản vật, vừa là lễ vật để dâng lên cho thần linh, trời đất vào mỗi dịp lễ hội. Vì thế, rượu cần không được sử dụng hằng ngày, mà chỉ dùng khi đón khách quý hay trong lễ hội, các dịp trọng đại của bon, làng. Khi uống rượu, người ta thường dùng một chiếc cần duy nhất được làm từ cành trúc uốn cong, mọi người chuyền tay nhau cùng uống, điều này thể hiện tình đoàn kết, chia sẻ của cả cộng đồng.

 4. Bơ Đắk Mil

Với khí hậu thuận lợi cũng như điều kiện thổ nhưỡng, bơ trồng tại Đăk Nông được nhiều người ưa chuộng bởi có vị thơm ngon đặc trưng, phần cơm dày, dẻo và hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong những năm qua, bơ đang trở thành một trong những loại quả có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho nhiều nông dân Đăk Nông và được hướng đến xuất khẩu sang nước ngoài. Các loại bơ đặc trưng nơi đây bao gồm: bơ 034, bơ Booth, bơ Cuba…

5. Cà phê Đức Lập

Nhắc đến đặc sản của bất cứ tỉnh nào ở vùng cao nguyên đất đỏ bazan, không thể không kể đến cà phê. Và ở Đăk Nông, có một thương hiệu cà phê nổi tiếng đó là cà phê Đức Lập, mang hương thơm nồng nàn, quyến rũ. Vùng đất Đắk Mil, trước đây là huyện Đức Lập có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển. Những cây cà phê nơi đây được trồng, chăm bón đúng quy trình nên đảm bảo chất lượng thơm ngon, nguyên chất và an toàn cho người dùng.

6. Khoai lang Tuy Đức

Xuất xứ của giống khoai lang này là từ những năm đầu mới thành lập tỉnh, người dân xã Đắk Búk So (huyện Đắk R’lấp nay thuộc địa bàn huyện Tuy Đức) đã đưa giống khoai lang Benzen có nguồn gốc từ Nhật Bản về trồng. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên khoai lang ở Tuy Đức đạt năng suất cao, mang hương vị đặc trưng như: thơm ngon, bùi, ngọt, có hàm lượng tinh bột và dinh dưỡng cao; được nhiều người ưa chuộng và nhiều doanh nghiệp thu mua để sản xuất ra các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo… xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

7. Bánh cuốn Tày

Tại Đăk Nông, đồng bào Tày sinh sống hầu hết ở các huyện, thị xã, nhưng nhiều nhất là ở các huyện Cư Jút và Krông Nô. Đồng bào Tày có nhiều món ăn ngon, nhưng phổ biến nhất là món bánh cuốn. Bánh cuốn được làm từ những nguyên liệu chính là gạo tẻ và thịt heo. Người dân chọn loại gạo tẻ ngon, dẻo ngâm nước sau đó vớt ra để cho ráo nước rồi cho vào cối đá xay thành bột mịn. Để tạo thành bánh, người làm hòa bột với một lượng nước vừa phải sao cho khi tráng phải kết dính, bánh không quá mỏng hay dày.

Đối với phần nhân bánh, bà con chủ yếu dùng thịt lợn, đặc biệt là loại thịt ba chỉ, xay hoặc băm nhuyễn rồi trộn gia vị, phi hành, đảo đều cho đến khi chín tới. Bánh cuốn được ăn kèm với các loại rau thơm, hành tươi và chấm với loại nước chấm làm từ ớt bột ngâm với măng chua. Bạn cũng có thể chấm với nước mắm ớt hay xì dầu. Ngoài ra, bánh cuốn còn có cách ăn khác nữa là ăn nước. Nước dùng được hầm từ xương heo thật nhừ, sau đó cho các gia vị và hành, tỏi, sả, thảo quả. Tại các chợ vùng sâu ở các huyện Cư Jút, Krông Nô có rất nhiều quán bán bánh cuốn do người Tày làm chủ.

8. Cơm lam – thịt nướng

Cơm lam là món ăn luôn có mặt trong các lễ hội, cuộc vui của đồng bào. Nguyên liệu chính để làm cơm lam là gạo nếp. Sau khi ngâm gạo nếp, gạo được bỏ vào ống tre, ống nứa, lấy nước suối để nấu. Những ống nứa đựng gạo nếp được đốt trên lửa hoặc vùi trong than. Đi cùng với cơm lam là thịt nướng được chế biến theo một cách rất riêng từ gia súc, gia cầm. Phần lớn nguyên liệu được nướng trên than, không ướp tẩm gia vị mà xiên que hoặc để vào ống lồ ô và nướng. Khi ăn, người ta hay chấm với muối ớt.

9. Bánh “pẻng tải”

Theo chuyện kể dân gian của người Nùng, thời vua Lý Thái Tông (thế kỷ X), đồng bào Nùng, Tày ở vùng cao Cao Bằng đã làm bánh “tải” cho các chiến binh đem theo làm lương thực ra vùng biên ải đánh giặc ngoại xâm. Vì bánh xâu thành từng cặp để đeo trên người cho thuận tiện hành quân nên được gọi là “pẻng tải” (bánh mang theo).

Pẻng tải là một loại bánh quen thuộc trong đời sống của người Nùng. Trên mảnh đất Đăk Nông, bánh pẻng tải truyền thống mà người Nùng thường làm trong các ngày lễ cúng có 2 loại, chia theo cách làm bột bánh là nếp chuối đường và nếp lá gai đường. Và nhân bánh của 2 loại bánh này đều làm bằng mè rang giã nát trộn đường bát; ngoài ra người dân còn làm nhân bánh từ đậu xanh, đậu phộng, đậu đỏ, đậu đen… Các loại “pẻng tải” đều được gói bằng lá chuối phơi khô. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận bánh có vị ngọt thanh của đường, sự dẻo thơm của nếp và ngọt bùi của nhân đậu.

10. Canh chua kiến vàng

Từ lâu, người Ê-đê xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đăk Nông) đã dùng kiến vàng chế biến thành nhiều món ăn độc đáo, ngon miệng. Trong đó phải kể đến món canh chua kiến vàng, là món ăn truyền thống và đặc sản của người Ê-đê. Kiến vàng thường sinh sống trên các cành cây, làm tổ ở những nơi cao. Vào mùa mưa, người Ê-đê thường đi “săn” kiến vàng vì vào thời điểm này chúng sẽ làm tổ và đẻ trứng nhiều.

Để làm được món canh này phải có các nguyên liệu chính gồm kiến vàng, các loại tôm, cá, cua sông, hoa “djam tang”, ngò gai, nén, gia vị. Đối với canh chua, thay vì dùng lá giang hay me để tạo vị chua cho món ăn, người Ê-đê đã sử dụng kiến vàng tạo nên độ chua “độc lạ” và khiến cho hương vị của món canh càng đặc biệt, bổ dưỡng hơn.

back to top