Giỏ hàng

Những biểu tượng kiến trúc độc đáo của du lịch Nha Trang

Nha Trang là một điểm đến phổ biến cho cả khách du lịch trong nước và quốc tế muốn tận hưởng ánh nắng mặt trời và bờ biển xinh đẹp. Ngoài ra, những biểu tượng kiến trúc cũng là những địa điểm check-in phổ biến khi du lịch Nha Trang.

Tháp Bà Ponagar

Tháp Bà Ponagar là quần thể đền thờ Hindu cổ được người Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 12 và được coi là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất ở Việt Nam. Tháp thờ nữ thần Ponagar, người được người Chăm tôn thờ là nữ thần của đất nước, của sự màu mỡ và nông nghiệp.

Ngôi đền ban đầu có tám tòa tháp, nhưng ngày nay chỉ còn bốn tòa. Các tòa tháp xây bằng gạch đỏ và được trang trí bằng các hình chạm khắc và điêu khắc phức tạp mô tả các vị thần Hindu và các cảnh trong thần thoại.

Du khách đến tháp bà Ponagar có thể khám phá và chiêm ngưỡng những chi tiết kiến trúc tinh xảo. Tháp lớn nhất là Ponagar Kalan, cao 23m và có sinh thực khí linga và yoni bằng đá. Ngôi đền là một địa điểm linh thiêng và du khách phải thể hiện sự tôn trọng bằng cách ăn mặc trang nhã khi đến đây.

Chùa Ốc (chùa Từ Vân)

Khi du lịch Nha Trang, du khách không thể bỏ qua chùa Từ Vân, ngôi chùa có kiến trúc độc lạ với các tòa tháp được làm từ vỏ sò, vỏ ốc và các rạn đá san hô. Ngôi chùa đã tồn tại trên nửa thế kỷ, và là kết quả của sự sáng tạo của chính các nhà sư, do đó chùa dù lạ lẫm nhưng vẫn giữ nét tôn nghiêm, trầm mặc.

Tháp Bảo Tích là điểm nhấn ấn tượng của ngôi chùa bởi đây là tháp ốc cao nhất Việt Nam với chiều cao 39 m. Tháp gồm 39 tiểu tháp hình chóp bên ngoài, bên trong mỗi tiểu tháp có một tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt. Tầng dưới của tháp đón khách tham quan, tầng trên là nơi thờ Phật. Để tạo nên công trình đặc biệt này, các nhà sư phải mất đến 5 năm mới hoàn thành.

Đến chùa, du khách có thể trải nghiệm đường xuống “18 tầng địa ngục” cũng được làm từ vỏ ốc. Sau khi vượt qua hành trình tối tăm, khách tham quan sẽ được đặt chân đến “bát nhã hoa viên”, là những vườn hoa cây cảnh cùng tượng các sinh vật biển.

Nhà thờ Núi

Có lịch sử hơn 80 năm tuổi, nhà thờ Núi nằm giữa trung tâm thành phố Nha Trang với diện tích khoảng 720 mét vuông trên đỉnh đồi Hoàng Lân. Tên gọi chính thức của nhà thờ là “nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua. Tuy nhiên, người dân và du khách gọi nhà thờ bằng những cái tên giản dị như nhà thờ Đá, nhà Thờ Núi, nhà thờ Nha Trang, nhà thờ Ngã Sáu.

Công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc phương Tây với bố cục chắc khỏe, như một lâu đài cổ đại La Mã sừng sững. Nhìn từ xa, nhà thờ Núi gây ấn tượng với những khối lập thể nhỏ dần từ cao xuống thấp, nổi bật giữa nền trời xanh. Ðiểm cao nhất của công trình, cao 38m, đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông. Kiến trúc này có nhiều điểm tương đồng với nhà thờ Đá Sapa.

Tháp Trầm Hương

Tháp Trầm Hương được xây dựng để làm điểm nhấn kiến trúc cho du lịch Nha Trang. Ban đầu, tháp chỉ có 3 tầng cấu trúc, nhưng sau khi cải tạo, nó đã lên 6 tầng. Tầng hầm tháp Trầm Hương là nơi bố trí phòng kỹ thuật, thang máy, hệ thống điện, nước.

Tầng trệt là sân ngũ giác ứng với thiết kế hình 5 cánh hoa của tòa tháp. Khu vực trệt gồm một sảnh chính, bốn sảnh phụ và là nơi trưng bày hình ảnh, các sản phẩm quảng bá du lịch Nha Trang. Tầng một là công viên với đầy đủ sân vườn, hồ phun nước, vườn hoa, cùng với các cụm tượng được trang trí và nổi bật là 5 cụm điêu khắc hình sóng biển cách điệu.

Tầng 2 với kiến trúc độc đáo tái hiện hình ảnh những cánh buồm trên biển xanh tựa như những cánh hoa mềm mại. Những tầng khác là không gian trưng bày ảnh nghệ thuật về cảnh vật địa phương, con người Khánh Hòa và những tiêu bản sinh vật biển quý hiếm, trầm hương, kỳ nam, các chế phẩm và dụng cụ đốt hương trầm…

Phần ngọn của tháp Trầm Hương là nơi đặt búp tháp tâm linh – một kiến trúc rỗng bên trong với đường kính khoảng 4,5m và cao 9m. Tháp bút ban ngày giống như nén trầm hương đang cháy, còn đêm đến lại giống như một ngọn đuốc hay một ngọn hải đăng trên biển.

Chùa Long Sơn

Chùa Long Sơn hay còn gọi là chùa Phật Trắng thuộc đồi Trại Thủy. Sở dĩ có tên “chùa Phật Trắng” là bởi trên đỉnh đồi có tượng Kim Thân Phật Tổ màu trắng ngà ngồi thuyết pháp cao 24m, đài sen làm đế cao 7m. Tượng Phật trắng được xây từ năm 1963 do tăng ni, Phật tử quanh vùng đóng góp.

Từ sân chùa, muốn lên đến nơi có tượng Phật trắng phải đi lên 193 bậc tam cấp. Xung quanh đài sen là chân dung 7 vị hòa thượng, đại đức đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Sài Gòn trong giai đoạn năm 1936. Dưới chân đài sen là những ngăn nhỏ chứa hài cốt do các gia đình Phật tử gửi.

 

back to top