Khám phá Cố cung Thẩm Dương của người Mãn Châu
Cố cung Thẩm Dương được xây dựng năm 1625, với tổng diện tích 4,6 vạn mét vuông, quy mô bảo tồn chỉ sau Cố cung Bắc Kinh trong quần thể kiến trúc Hoàng gia ở Trung Quốc.
Chắc hẳn sẽ rất nhiều du khách bất ngờ bởi Trung Quốc không chỉ có Tử Cấm Thành là cố cung. Đất nước với bề dày lịch sử phong kiến này trải qua rất nhiều triều đại và nhiều lần dời đô. Cũng vì thế những dấu tích cung điện còn sót lại cho đến ngày nay ở Trung Quốc khá nhiều và mang giá trị lịch sử vô cùng to lớn.
Trong bài viết này, hãy cùng khám phá một công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử văn hóa to lớn – Cố cung Thẩm Dương. Với hơn 2000 năm lịch sử, Thẩm Dương là thành phố văn hóa lịch sử nổi tiếng của đất nước Trung Hoa, là vùng đất đa sắc màu về văn hóa, lịch sử với nhiều công trình kiến trúc mang tầm vóc thời đại, một trong số đó là Cố cung Thẩm Dương.
Cố cung Thẩm Dương được xây dựng vào năm 1625, với tổng diện tích 4,6 vạn mét vuông, có 70 kiến trúc và hơn 300 gian nhà, quy mô bảo tồn chỉ sau Cố cung Bắc Kinh trong quần thể kiến trúc Hoàng gia hiện tồn tại ở Trung Quốc thuộc tỉnh Liêu Ninh. Cố cung Thẩm Dương do dân tộc Mãn xây dựng, nơi đây mang đậm những màu sắc dân tộc Mãn đặc trưng.
Dân tộc Mãn du mục ở miền Đông Bắc Trung Quốc vào thế kỷ 17 cho xây dựng chính quyền Hậu Kim, lúc này Hoàng đế Hậu Kim Nỗ Nhĩ Cáp Xích lấy Thẩm Dương làm đô thành, xây dựng hoàng cung, sau khi Hoàng Thái Cực con trai Nỗ Nhĩ Cáp Xích nối ngôi, đổi quốc hiệu Hậu Kim thành “Thanh”, và xây dựng xong cung điện, tức là Cố cung Thẩm Dương.
Hoàng đế triều Thanh là Hoàng Thái Cực và Phúc Lâm đều lên ngôi hoàng đế ở Cố cung Thẩm Dương. Sau đó, nhà Thanh chính thức lật đổ triều Minh và chính thức chọn Bắc Kinh làm kinh đô thứ hai, Thẩm Dương chính thức trở thành cố cung. Cố cung Thẩm Dương được chia làm 3 đường chính: Đông Lộ – Trung Lộ và Tây Lộ.
- Trung Lộ với trung tâm là điện Sùng Chính – nơi chấp chính của Hoàng Thái Cực. Tây Lộ với trung tâm là gác Văn Tố, trước sau là sân khấu kịch và Gia Ân Đường.
- Đông Lộ với trung tâm chính là Điện Đại Chính, là nơi Hoàng đế nhà Thanh làm việc hàng ngày và tổ chức lễ nghi lớn. Đình Thập Vương là nơi làm việc của mười đại thần quan trọng của triều đình. Phong cách kiến trúc của Điện Đại Chính và Đình Thập Vương bắt chước lều vải của dân tộc du mục. 11 ngôi đình nói trên tức là tiền thân của 11 lều vải tượng trưng cho quá trrình di chuyển từ du mục sang cố định.
Cùng với Cố cung Bắc Kinh – Cố cung Thẩm Dương nằm trong di sản văn hóa thế giới với quy mô và rất bề thế. Với hơn 150 năm lịch sử của mình, Cố cung Thẩm Dương đã hấp thụ tinh hoa văn hoá của dân tộc Hán, Mãn, Mông Cổ, Hồi và Tạng là kết tinh văn hoá Trung Hoa, là mốc son quan trọng của Trung Quốc với tư cách là một nước thống nhất và nhiều dân tộc và hiện nay là điểm tham quan hấp dẫn cho du khách.