Du lịch Tây Bắc: Khám phá phong tục đón Tết truyền thống của dân tộc Mông
Đàn ông người Mông sẽ là người dậy sớm nhất trong gia đình để làm hết mọi công việc nhà thay cho phụ nữ. Ảnh: VOV/Truyenhinhdulich.
Người Mông chuẩn bị Tết rất chu đáo. Từ việc nghỉ làm nương rẫy để dọn dẹp nhà cửa đến may quần áo mới, trang trí nhà cửa, làm mâm cúng ông bà. Tháng Chạp âm lịch hàng năm là khoảng thời gian người Mông bắt đầu chuẩn bị đón tết truyền thống của dân tộc mình. Đây cũng là thời điểm những cánh đào đầu tiên trên vùng rẻo cao Tây Bắc bắt đầu bung nở.
Người dân tộc Mông sẽ khoác lên những bộ trang phục đẹp nhất để đi chơi Tết. Ảnh: Báo Nhân dân.
Ngày Tết của người Mông độc đáo với các món ăn thay cơm như mèn mén, thắng cố thơm ngon, bánh dày dẻo mềm, rượu ngô ấm bụng. Khắp bản trên làng dưới đều nô nức tiếng chày giã gạo làm bánh dày, thứ đặc sản không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào. Theo quan niệm, bánh dày là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng và là nguồn gốc sinh ra loài người. Mỗi nhà có thể làm từ 50 đến 100 chiếc bánh dày để cúng Tết.
Người Mông làm bánh dày ngày Tết. Ảnh: VOV.
Bên cạnh thắng cố, mèn mén và bánh dày thì bắt buộc phải có rượu ngô, loại rượu được làm từ giống ngô vàng dẻo ngọt, được cất trữ từ vụ thu hoạch cuối tháng 6 dương lịch hàng năm. Rượu ngô Tây Bắc đặc biệt có vị ngọt, thơm. Nhấp một ngụm rượu, bạn sẽ thưởng thức được ngay vị thơm lừng cay cay, tê tê đầu lưỡi lại vừa ấm nóng sảng khoái đến bất ngờ.
Vào mỗi dịp Tết đến cũng là dịp nhà nhà, người người khoác lên mình những bộ quần áo mới thật đẹp. Đối với người Mông cũng vậy, họ khoác lên mình những bộ đồ thổ cẩm thật đẹp. Quần áo váy thổ cẩm của người Mông được làm chủ yếu bằng vải tự dệt, mặc cùng chiếc khăn đội đầu, thắt lưng. Tất cả được thêu hoa văn cầu kỳ, tinh xảo.
Tết cũng là thời gian diễn ra các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Mông. Phong tục Tết của người H’mông bao gồm rất nhiều các hoạt động. Trong đó có lễ cúng ông bà, tổ tiên, gia đình quây quần bên nhau uống rượu ngô, ăn cơm Tết, chúc Tết nhau, vui chơi các trò chơi truyền thống như ném pao, đánh cù, đánh quay và rất nhiều các hoạt động văn hóa đặc sắc khác.
Một trong số những trò chơi dân gian ngày Tết của người H’Mông. Ảnh: VOV/Truyenhinhdulich.
Một điều mà không thể không nhắc đến là những điều kiêng kỵ cần tránh trong mỗi dịp Tết. Với mong muốn cuộc sống yên bình, hạnh phúc trong năm mới, người Mông kiêng kỵ rất nhiều thứ trong ngày Tết. Đặc biệt là việc tắt lửa trong bếp, kiêng giẫm lên bếp lò. Kiêng việc nướng cháy bánh giày hay thổi lửa. Bên cạnh đó, người Mông còn kiêng cả việc ăn cơm chan với canh trong 3 ngày Tết. Bởi lo sợ rằng ruộng nương sẽ bị ngập lụt trong năm tới.
Tết của đồng bào dân tộc Mông Tây Bắc là tổng hòa những nét đẹp văn hóa độc đáo mà người Mông bao thế hệ vẫn cố gìn giữ bản sắc của dân tộc mình qua ngày Tết truyền thống.
Chuẩn bị những mâm cỗ để dâng cúng tổ tiên, trời đất hay mời anh em họ hàng đến ăn mừng. Ảnh: Báo Lao động.