Du lịch Lào nhất định phải tham dự lễ hội Boun Ok Phansa 2023
Lễ hội Boun Ok Phansa là lễ hội mãn chay, được tổ chức vào ngày 15/11 Phật lịch (rơi vào 28 tháng 10, 2023). Đây là lễ hội quan trọng của người Lào, đánh dấu sự kết thúc ba tháng mùa chay, thời gian mà các nhà sư tu tập, không được ra khỏi chùa.
Maya, mẹ của Đức Phật, đã qua đời một tuần sau khi Đức Phật ra đời. Bà được tái sinh ở cõi trời Đao Lợi Thiên với tên gọi là Thánh Tự Tại. Để báo hiếu mẹ, Đức Phật đã lên cõi trời Đao Lợi Thiên và thuyết giảng kinh A-tỳ-đạt-ma cho Thánh Tự Tại trong ba tháng.
Lễ Boun Khao Phansa đánh dấu sự kiện Đức Phật lên cõi trời và bắt đầu ba tháng an cư kiết hạ của Phật giáo, khi các nhà sư ở lại chùa để tu tập. Trong thời gian này, các nhà sư sẽ chuyên tâm tụng kinh, niệm Phật và thiền định. Các Phật tử thì làm việc thiện, không xây nhà, không cưới hỏi, không lập công ty và không uống rượu, hút thuốc.
Sau đó, lễ hội Boun Ok Phansa đánh dấu sự trở về của Đức Phật và cũng là dấu hiệu kết thúc mùa an cư kiết hạ của Phật giáo. Sau ba tháng ở chùa tu tập, các nhà sư sẽ trở lại với các hoạt động thường ngày của mình. Vào bình minh của ngày Boun Ok Phansa, các tín đồ Phật giáo sẽ tập trung tại các ngôi chùa trên khắp nước Lào để dâng lễ vật.
Người Lào cho rằng, sau lễ mãn chay, những ưu phiền sẽ được xua đi hết, để mọi người bắt đầu những ngày vui mới nhiều may mắn và hạnh phúc hơn. Các tăng, ni có thể ra khỏi chùa để dạy giáo lý ở các nơi khác mà không bị giới hạn, trong khi các Phật tử có thể dựng vợ, gả chồng, xây nhà và lập cơ sở kinh doanh…
Trong một ngày lễ hội Boun Ok Phansa, nhiều nghi thức tôn giáo diễn ra gồm nghi lễ Tatbath (cúng dường) vào buổi sáng; nghi lễ Okphansa chính thức vào buổi chiều – là lúc để các nhà sư và Phật tử tổng kết lại những điều đã làm trong 3 tháng qua; nghi lễ Viêng Thiềng, là lễ rước nến đi quanh chùa 3 vòng, vào buổi tối và nghi lễ cuối cùng sẽ diễn ra vào lúc tối muộn đến trước nửa đêm, là nghi lễ Lay Heurphay, hay thả thuyền lửa xuống sông Mekong.
Vào buổi tối của Boun Ok Phansa, lễ rước đèn nến đẹp mắt là hoạt động quan trọng sẽ được tổ chức tại các ngôi chùa và sau đó, hàng trăm chiếc bè hoa, hương và nến đủ màu sắc sẽ trôi dọc sông Mekong. Để chuẩn bị cho lễ hội, các gia đình sẽ làm những chiếc thuyền nhỏ để đựng nến, hoa, hương hoặc thức ăn và tiền.
Tại bờ sông Mekong, họ thắp nến, cầu nguyện và thả chiếc thuyền đèn hình tròn kết bằng bẹ chuối hoặc lá dừa trôi dọc theo sông. Truyền thống này được thực hiện để bày tỏ lòng tôn kính đối với các vị thần sông nước, đặc biệt là sông Mekong (mẹ của vạn vật). Mọi người cũng tin rằng đây là một cách để xua đuổi bệnh tật, xui xẻo.